BÀI TUYÊN TRUYỀN CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến !
Bệnh cúm và cảm cúm thông thường đều là các bệnh lý về đường hô hấp với triệu chứng khá giống nhau, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn khi chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, cúm sẽ nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với người già, trẻ em, hoặc người có bệnh lý nền. Vậy làm thế nào để biết mình có bị cúm hay không? Triệu chứng và cách phòng bệnh như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin dưới đây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình nhé !
1. Bệnh cúm mùa là gì?
Cúm mùa là loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông - Xuân, khi cơ thể không đáp ứng được các thay đổi của thời tiết. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người nếu người bệnh không được phòng và điều trị kịp thời có khả năng gây thành đại dịch và gây biến chứng nguy hiểm, suy hô hấp có thể gây tử vong…
2. Các triệu chứng của bệnh cúm:
Cúm có thể gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cúm khác với cảm lạnh. Cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
- Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh.
- Ho, đau họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau các cơ. Cơ thể mệt mỏi.
- Nhức đầu
- Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.

3. Các con đường lây nhiễm cúm (Cúm mùa)
- Lây qua giọt bắn hô hấp truyền trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện,...
- Có thể nhiễm virus này khi chạm tay, tiếp xúc vào các bề mặt dính virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt hoặc tiếp xúc với các đồ vật trong gia đình (bàn, ghế, giường, tủ...) mà người mắc cúm đã sử dụng.
- Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm, bao gồm heo, ngựa và các loài chim, gia cầm…
4. Thực hiện phòng ngừa cúm (Cúm mùa)
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, trong mùa dịch cần tránh nơi đông người.
- Khi có các triệu chứng cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Vệ sinh nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi vật dụng, đồ chơi bằng nước sát khuẩn.
- Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng khi được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi có triệu chứng cúm.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Phải uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: kem, đá, nước lạnh.
- Uống nhiều sinh tố C được chứng minh là dùng để trị cảm cúm hay phòng ngừa cảm cúm
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất vừa giúp phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình. Vắc-xin giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch chống lại các chủng virus cúm phổ biến trong năm đó.

Trên đây là bài tuyên truyền phòng chống bệnh cúm mùa. Mong rằng các quý thầy cô, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh biết cách phòng chống bệnh tốt hơn, bảo vệ sức khỏe tốt hơn cho mình và những người xung quanh. Để phòng chống Bệnh cúm trong trường học.... Kính chúc quý thầy cô cùng các em học sinh luôn có sức khoẻ tốt, để mỗi ngày tới trường là một ngày vui. Thân chào các em!
Nhân viên y tế: Trần Thị Nguyệt.